Các nhà khoa học ‘sốc’ trước mức độ ô nhiễm vi nhựa cao ở sông Thames, London

Các nhà nghiên cứu lo ngại việc vứt bỏ các vật dụng dùng một lần trong đại dịch coronavirus sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm vi nhựa tại sông Thames, Lodon.

Sông Thames chảy qua trung tâm London

Sông Thames của Anh đã được ca ngợi là một thành công về môi trường khi tình trạng xả nước thải, hoá chất và kim loại nặng đã được khắc phục thành công. Tuy nhiên, thay vào đó lại là sự xuất hiện của các hạt vi nhựa.

Các loài động vật có vú như cá heo, hải cẩu và hơn 100 loài cá có thể gặp nguy hiểm sau khi một loạt nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia Holloway ở London xác định rằng sông Thames, chảy qua London, có mật độ vi nhựa cao nhất được tìm thấy ở bất kỳ con sông nào ở thế giới.

Khi so sánh với các ước tính toàn cầu về ô nhiễm vi nhựa, sông Thames có “mức độ rất cao”, tiến sĩ Katherine Rowley cho biết. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science of The Total Environment .

Vì nước ngọt có tầm quan trọng lớn đối với sự sống của các loài động vật trên cạn, dưới nước cũng như sức khoẻ của con người mà việc kiểm soát nhựa nói riêng và các chất gây ô nhiễm nói chung có vai trò đặc biệt quan trọng. Nghiên cứu cho thấy 94.000 vi nhựa chảy qua một số đoạn của sông Thames mỗi giây với mật độ cao hơn các con sông đô thị tương đương, bao gồm sông Chicago, sông Rhine ở Đức và sông Danube của Romania.

Nghiên cứu cho thấy nhựa có thể xâm nhập vào nước theo một số cách, chẳng hạn như việc vứt bỏ bao bì, đồ gia dụng và các sản phẩm tẩy rửa không đúng cách. Gió cũng có thể thổi các vật dụng đã đặt trong thùng rác vào nước, và các vật dụng được xả xuống bồn cầu không đúng cách có thể đi vào đường nước. Những vật phẩm này cuối cùng bị phân hủy thành các mảnh nhỏ được gọi là vi nhựa. Dòng chảy từ máy giặt là một nguồn vi nhựa chính khác, vì chúng được thải ra từ quần áo làm từ sợi tổng hợp như polyester.

Các nhà nghiên cứu cũng lo ngại rằng sự bùng nổ của việc sử dụng các đồ nhựa dùng một lần như găng tay, khăn lau và khẩu trang trong đại dịch coronavirus đang làm trầm trọng thêm vấn đề.

Rác thải nhựa nằm trên bờ sông Thames bên cầu Hammersmith khi thủy triều xuống ở London vào năm 2018.

Trong khi nhận thức của cộng đồng về tác động của vi nhựa đối với môi trường đại dương ngày càng tăng, thì nghiên cứu trên chứng minh rằng nó cũng là nguyên nhân gây ra mối quan tâm lớn đối với nước ngọt.

Theo một nghiên cứu năm 2016 của Viện Công nghệ Rochester cho thấy hơn 10.000 tấn nhựa được ước tính sẽ chảy vào Hồ Lớn từ Mỹ và Canada mỗi năm, và các con sông được cho là con đường chính dẫn nhựa đến các đại dương .

Ở Anh, người ta tìm thấy nhựa từ nhiều nguồn bao gồm kim tuyến, bao bì thực phẩm đã chia nhỏ ở sông Thames. Một lượng lớn khăn lau dùng một lần – có chứa sợi nhựa – cũng được tìm thấy trên bờ sông trong một nghiên cứu riêng biệt của Katherine McCoy, sinh viên Thạc sĩ Đại học Hoàng gia Holloway.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *