Ô nhiễm môi trường vẫn luôn là bài toán khó chưa tìm được lời đáp, thậm chí vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chưa cần xét tới hệ quả mà chúng gây ra cho bầu không khí, môi trường đất, nước, đối tượng chịu tác động đầu tiên chính là con người. Tại Việt Nam, mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra bộ luật, yêu cầu các cơ sở sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định bảo vệ môi trường nhưng thực tế vẫn cho thấy ý thức kém của người dân trong việc chấp hành.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An quyết định xử phạt trang trại của ông Nguyễn Văn Nam (SN 1972, trú tại xóm 5, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) 150 triệu đồng với lí do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh có quy mô. Ngoài ra, trang trại cũng bị đình chỉ hoạt động 6 tháng để khắc phục hậu qủa. Mặc dù đã bị phạt nhưng ông Nam vẫn tiếp tục nuôi gần một ngàn con lợn, tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn ra.
Theo người dân sống trong khu vực, hàng ngày, họ phải ngửi mùi hôi thôi bốc ra từ hồ xả thải, mặc dù khoảng cách từ khu dân cư đến các hồ chứa tới vài trăm mét. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, khiến nhiều người phải chuyển nơi ở, có người không dám xây nhà. Xác định nguyên nhân nước thải từ trang trại gây mùi, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra và nhận thấy toàn bộ diện tích trang trại là 21.000m2 với thời hạn sử dụng là 50 năm. Trang trại được xây trên đồi, có 1 bể chứa bê tông. Nước thải từ chuồng nuôi được dẫn tới bể chứa sau đó chảy xuống hồ lắng. Thực tế, việc hồ lắng không hề đảm bảo chất lượng, hết sức sơ sài.
Ý thức người dân chưa cao hay còn nguyên nhân nào khác khiến các doanh nghiệp nản tránh xử lý nước thải
Trên thực tế, chi phí đầu tư một hệ thống xử lý nước thải cho một xưởng sản xuất, nhà máy, hoặc trang trại khá lớn, yêu cầu không gian diện tích. Đặc biệt, chi phí này không dừng lại ở phần đầu tư xử lý, quá trình vận hành hệ thống xử lý tốn kém tài nguyên điện, hóa chất, người vận hành khiến cho việc hầu hết các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp đều có tư tưởng xả trộm nước thải khi chưa qua xử lý. Một số doanh nghiệp thường hoạt động hệ thống xử lý cầm chừng hoặc chống chế, sẵn sàng xả trộm khi không có mặt cơ quan chức năng, hay xả vào ban đêm, gây khó khăn cho các nhà quản lý. Thực trạng này xảy ra thường xuyên, đặc biệt doanh nghiệp nằm sâu trong các rừng núi.
Rõ ràng, việc xử phạt kinh tế và đình chỉ hoạt động từ các cơ quan chức năng vẫn chưa phải là hình phạt thích đáng, đủ sức răn đe với trang trại của ông Nam nói riêng và những người không tuân thủ quy định xả thải ra môi trường nói chung. Cần có các chế tài nghiêm khắc hơn để nâng cao ý thức cũng như tinh thần trách nhiệm của tất cả mọi người trong việc bảo vệ môi trường.