Sông Sọ ở Bình Dương nổi bọt trắng xóa, nhìn thì đẹp nhưng tiềm ẩn nhiều mối nguy

Trong rất nhiều các văn bản pháp luật quy định hiện hành, tất cả các doanh nghiệp, khu chế xuất xả nước bẩn, chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn ra môi trường tự nhiên đều bị xử phạt nghiêm ngặt, thậm chí bị buộc ngừng kinh doanh. Trên các trang báo cũng có rất nhiều các trường hợp vi phạm bị nêu tên, điểm mặt nhưng vấn đề xả thải ở Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp.

Nước sông Sọ ở Bình Dương nổi bọt trắng xóa, cảnh báo tình trạng ô nhiễm nước nặng nề

Sáng ngày 18/7 vừa qua, một sự kiện mới liên quan đến việc xả thải trái pháp luật đã được đề cập trên các trang báo, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đó là hình ảnh con sông Sọ thuộc phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương bị phủ kín bởi lớp bón trắng xóa đi kèm với đó là mùi hôi thối, khó chịu, mới chỉ ngửi đã thấy buồn nôn, khó thở.

Thực tế, bọt trắng xuất hiện ở dòng sông này từ đêm ngày 17/7/2020 nhưng vì vào ban đêm, ít người qua lại nên chỉ đến khi mặt trời mọc, vấn đề mới được người dân phát giác. Theo người dân địa phương, hiện tượng sông Sọ nổi bọt trắng là lần đầu nhưng thời gian trước, nước đã từng đổi sang màu xanh dương và màu đỏ. Câu hỏi đặt ra rằng, liệu sự “đổi màu” của dòng nước có phải là hiện tượng kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng hay đó chính là kết quả của quá trình thiếu ý thức, bất chấp pháp luật vì lợi ích cá nhân?

Nước sông Sọ đã từng có hiện tượng chuyển sang màu đỏ

Vì sao nước sông nổi bọt trắng xóa?

Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và đang tiến hành điều tra để có kết quả sớm và chính xác nhất cho người dân. Các đơn vị vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định. Ở bước điều tra ban đầu, nhà chức trách xác định hiện tượng nước sông Sọ chuyển sang màu đỏ là do màu sơn hoặc màu mực in thải từ nhà máy tại Tổ 13, 14 Khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh chảy về.

Đứng ở góc độ khoa học, các nhà khoa học đã có những lý giải nhất định về hiện tượng sông nổi bọt trắng xóa. Cụ thể, GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ- Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ  Môi trường khẳng định, khi nước sông nổi các bọt tuyết trắng xóa có nghĩa dòng nước đó đang bị ô nhiễm rất nặng nề.

GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ khẳng định hiện tượng nước nổi bọt trắng xóa cho thấy tình trạng ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng

Hiện tượng này đã xảy ra ở nhiều con sông trên cả nước, điển hình là tại sông Châu Giang thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, để có thể khẳng định rõ các chất gây ô nhiễm là gì thì cần đến sự phân tích khoa học về chất lượng nước cụ thể nhưng một điều chắc chắn hơn cả đó là sự tác động không nhỏ của các chất này đến tài nguyên nước ngầm, tài nguyên đất, bầu không khí xung quanh cũng như cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và hệ động, thực vật trong nước.  Các giải pháp kiểm tra, xử lý doanh nghiệp cũng cần được tiến hành chặt chẽ hơn, các phương pháp xử lý nước thải cần được nâng cấp với công nghệ tiên tiến nhất, loại bỏ tối đa các chất gây hại trước khi đưa nước trở lại môi trường tự nhiên. Hơn bất kỳ điều gì, ý thức bảo vệ môi trường và tinh thần trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, công nhân viên làm việc tại doanh nghiêp là điều quan trọng hơn cả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *